18/04/2014

ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH GIÁO KHOA CHỈ TỐN CHỪNG VÀI TRĂM TỈ ĐỒNG

Gọi là đổi mới hay cải cách hay thậm chí  gọi là làm một cuộc cách mạng cái nền giáo dục mà nó đang nằm trong cái rọ của chế độ chính trị hiện nay thì thực chất cũng chẳng thay đổi gì ngoài việc loay hoay thay đổi chương trình và viết lại sách giáo khoa.
Ừ mà thế cũng được, không làm được gì to lớn thì cũng phải cập nhật chương trình và sách giáo khoa để ít ra cũng theo kịp thời đại, cũng như tạo chút ít thuận lợi cho việc học của các em học sinh được chừng nào hay chừng nấy chứ biết làm sao hơn.
Công việc như vậy thì chẳng to tát gì. Nhưng thấy "Đề án đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa" của bộ GDĐT kê lên đến 34.000 tỉ đồng kinh phí thì kinh khủng quá. Số tiền vô cùng to lớn như vậy thì chi vào đâu cho hết?

Giáo sư Văn Như Cương nói rằng chỉ cần 3000 tỉ đồng, chưa tới 1/10 kinh phí đề án, là làm được rồi. Nhưng theo tôi số tiền 3.000 tỉ đồng cũng còn quá nhiều.
Tại sao các ngài ở bộ GDDT không tham khảo cách làm của thời Việt Nam Cộng Hòa nhỉ?  Ai học phổ thông ở miền Nam trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1975 đều trải qua đợt cải cách giáo dục rất lớn của chính quyền thời đó. Đợt cải cách đó tiến hành gọn trong mùa hè năm 1970. Toàn bộ chương trình giảng dạy và sách giáo khoa từ năm lớp 1 đến lớp 12 đều thay đổi toàn diện và đồng loạt vào đầu năm học 70-71. Phải nói đó là đợt thay đổi nội dung chương trình và sách giáo khoa lớn nhất ở miền Nam kể từ sau năm 1954. Sự thay đổi đồng loạt như vậy không hề gây ra xáo trộn trong việc dạy và học cũng như gây ra sự đứt quảng kiến thức của học sinh. Tôi nhớ lúc đó tôi đang là học sinh cuối cấp phổ thông. Tôi qua hết 11 năm học theo chương trình cũ, bổng dưng lên lớp 12 đột ngột chuyển qua chương trình mới, với nhiều khái niệm và lý thuyết mới trong các môn học mà trước đó chúng tôi chưa hề biết đến, như khái niệm tập hợp, số ảo... trong toán học, khái niệm lượng tử, lý thuyết sóng hạt kết hợp, thuyết tương đối...trong vật lý và hóa học. Những điều hoàn toàn mới ấy, chúng tôi chưa hề được giới thiệu qua trong các lớp dưới của chương trình cũ, thế nhưng thế hệ chúng tôi vẫn tiếp thu nhanh chóng và không chút trắc trở gì ở chương trình mới. Không những thế, chương trình mới làm cho chúng tôi học hành tiến bộ hơn so với lớp trước của chúng tôi phải học chương trình cũ. Bằng chứng là, niên khóa 69-70 chỉ khoảng dưới 20% học sinh tốt nghiệp tú tài 2, trong khi niên khóa 70-71, thế hệ chúng tôi qua chương trình mới có trên 30% học sinh tốt nghiệp tú tài 2. Bộ giáo dục VNCH thay đổi chương trình đồng loạt và một lần như vậy rồi sau đó hàng năm họ cập nhật hóa chương trình bằng cách bổ sung, thêm bớt những điều mới mẽ cần thiết vào để chương trình học luôn theo kịp với sự phát triển của thời đại.
Kể ra dài dòng như thế để thấy rằng ý kiến của giáo sư Văn Như Cương là nếu thay đổi chương trình và sách giáo khoa thì thay đổi đồng loạt, đừng làm theo kiểu cuốn chiếu như từ trước đến nay vừa tốn kém vừa kéo dài thời gian vô ích là hoàn toàn đúng đắn. Hơn nữa sau từ 4 đến 5 năm mới hoàn tất việc thay đổi theo kiểu cuốn chiếu thì chương trình và sách giáo khoa đã lạc hậu mất rồi.
Trong việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa, thì khâu tốn kém nhất là khâu viết ra chương trình mới. Đó là khâu phải tập trung các chuyên gia lại để đưa ra đề cương, thảo luận và đúc kết, rồi sau đó đưa ra giám định và xét duyệt. Công việc này cho rộng rãi là cần đến 500 chuyên gia làm trong 5 tháng, lương mỗi chuyên gia trả 100 triệu/tháng thì cũng chỉ tốn hết chưa quá 250 tỉ đồng. Nếu công việc kéo dài 1 năm thì cũng chưa tốn hết 600 tỉ đồng.
Còn việc viết sách giáo khoa và in sách giáo khoa thì hoàn toàn không tốn kém gì đến tiền ngân sách. Sách giáo khoa là món hàng kinh doanh béo bở nhất hiện nay nên bộ GDĐT luôn dành độc quyền cho nhà xuất bản của mình. Nhà xuất bản có trách nhiệm trả tiền nhuận bút cho các tác giả viết sách trích từ lợi nhuận khổng lồ của mình.
Bộ GDĐT lý giải rằng khoản tiền 34.000 tỉ đồng còn chi vào việc bồi dưỡng giáo viên để nắm bắt chương trình và sách giáo khoa mới. Với kinh nghiệm đi dạy học phổ thông 17 năm, tôi có thể nói rằng giáo viên tự soạn được bài giảng theo chương trình của bộ đưa ra mà không cần đến sách giáo khoa (nếu ai không soạn được thì không phải là giáo viên), do vậy đã có sẵn sách giáo khoa để dạy thì hà cớ gì phải cần đến bồi dưỡng mới dạy được. Việc tổ chức ra các lớp học tập trung giáo viên để bồi dưỡng nắm bắt chương trình mới mà bộ giáo dục từng tổ chức tràn lan và liên tục trước đây là việc làm dư thừa và chưa nói là có ý đồ không tốt trong việc xài tiền ngân sách.
Rồi bộ cũng lý giải khoản tiền đó còn chi cho đồ dùng dạy học đổi mới theo chương trình. Đồ dùng dạy học cũng giống như sách giáo khoa, là hàng hóa kinh doanh thu được lợi nhuận, các công ty tư nhân đổ xô vào làm thì hà cớ gì phải tốn kém tiền ngân sách. Cũng có những loại đồ dùng dạy học mà học sinh không mua, chỉ nhà trường mới mua thì đó cũng là khoản chi bình thường hàng năm cho các trường học chứ không thể đưa vào kinh phí bất thường của đề án.
Tóm lại đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa của bộ GDĐT với kinh phí đưa lên tới 34.000 tỉ là một nổ lực kinh hồn nhằm đốt tiền ngân sách với động cơ không nói ra nhưng ai cũng biết của những người đang nắm vận mệnh giáo dục nước nhà.
Huỳnh Ngọc Chênh

1 commentaire: